Nỗi sợ của bé gái tuổi dậy thì

Thấy ngực bỗng dưng nổi lên một “cục lạ” và có cảm giác đau nhói khi chạm vào, bé Loan lo lắng mất ăn mất ngủ vì nghĩ mình bị ung thư.

Vốn là một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, cả tháng nay bé Loan trở nên rụt rè, sợ sệt. Ngoài giờ học, về đến nhà em rút vào phòng riêng không dám bước ra ngoài.

© Copyright 2010 CorbisCorporation

Đưa con gái đến gặp bác sĩ tâm lý trong tâm trạng đứng ngồi không yên, chị Trang (mẹ bé Loan, quận 10, TP HCM) than thở: “Có giải thích sao con bé cũng không chịu nghe. Nó bảo mẹ ‘đừng an ủi con, con sắp chết rồi’, mới khổ chứ”.

Khi bác sĩ cặn kẽ hỏi han, cô bé mới chịu nói chuyện. Thì ra những vấn đề Loan đang gặp phải là những biểu hiện của con gái đến tuổi dậy thì nhưng do không được người lớn hướng dẫn trước nên cô bé bị sốc nặng. Sau khi được bác sĩ tư vấn và dặn dò, bé Loan mới tin những gì đang diễn ra mới mình là hoàn toàn bình thường mà bất kỳ bé gái nào lớn lên cũng phải trải qua.

Cũng vì không được người lớn chỉ dẫn mà bé Diễm rơi vào tình trạng gần như trầm cảm khi vùng kín ra máu mấy ngày liền. Kể về con gái 14 tuổi, chị Thủy (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết cả tháng nay bé Diễm cứ buồn buồn, không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ mà cứ lấm la lấm lét. Gặng hỏi mãi cô bé mới khai thật và bảo “Con đang bị bệnh khó chữa. Mẹ đừng đụng vào người con”.

Người mẹ trẻ nhận lỗi: “Hai vợ chồng tôi phải thay nhau phân trần mãi con bé mới chịu nghe. Mình cũng thiếu sót, giá như nói với con về vấn đề này trước thì đâu đến nỗi”.

Từng tư vấn nhiều trường hợp dở khóc dở cười như thế, chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM cho rằng, thực trạng trên cho thấy nhiều cha mẹ chưa sâu sát trong việc giáo dục sức khỏe cho con cái. Thậm chí một số trường hợp, trẻ vị thành niên không dám đến trường chỉ vì thấy mụn trứng cá mọc đầy trên mặt.

Theo ông Thảo, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên bắt đầu giúp trẻ hiểu về sự thay đổi cơ thể theo từng lứa tuổi. Đừng đợi đến khi mọi sự “vỡ lở” mới vội vã giải thích thì coi chừng “xôi hỏng bỏng không”.

Đối với bé gái, người mẹ nên nói chuyện với con về kinh nguyệt trước khi bé bước vào tuổi dậy thì. Nếu để đến lúc xảy ra, bé không hiểu rõ những thay đổi trong cơ thể mình thì cảm thấy hoang mang, lo sợ. Độ tuổi dậy thì trung bình từ 12 đến 17 (đối với nam), 10 đến 15 tuổi (đối với nữ).

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể nói cho con biết, đến tuổi này ngoài sự thay đổi nhanh chóng về tầm vóc có thể còn có những thay đổi đặc biệt về sinh lý như:

– Sự phát triển của vú: Khi còn bé, ngực của con gái không khác gì con trai. Nhưng lúc dậy thì, bộ phận này bắt đầu thay đổi và lớn dần ra. Hình dạng của vú có thể khác nhau, to nhỏ khác nhau. Nếu vô tình chạm vào đó sẽ thấy đau nhói.

– Khung xương chậu bé gái sẽ phát triển to hơn, rộng hơn nhằm phục vụ cho việc sinh đẻ sau này. Xương chậu phát triển làm cho vùng chậu hông của các em tròn, đầy hơn. Cùng với sự phát triển ở ngực, phần eo bụng có vẻ thắt lại tạo nên “đường cong nữ tính”.

–  Lông mọc nhiều hơn, rậm hơn: Trên cơ thể các em gái, lông mu xuất hiện đầu tiên. Lúc đầu là dạng lông tơ, mịn, thẳng, mọc ở hai bên môi lớn rồi lan dần lên trên, sau đó lông dài ra và xoăn lại. Tiếp theo, lông nách cũng mọc rậm hơn.

– Các tuyến mồ hôi và tuyến bã trên cơ thể phát triển mạnh trong giai đoạn dậy thì làm cho mồ hôi có mùi khó chịu. Giai đoạn này thường xuất hiện mụn trứng cá trên mặt, da ngực và các vùng khác do các bã nhờn chế tiết.

– Các tuyến liên quan đến bộ phận sinh dục cũng bắt đầu hoạt động, tiết dịch  làm cho bộ phận sinh dục thường xuyên ẩm ướt.

– Thay đổi về bộ phận sinh dục: Ở phần ngoài (âm hộ), các môi to, môi nhỏ, âm vật đều to ra. Màu sắc bộ phận sinh dục cũng thẫm lại.

Khi có con gái ở tuổi dậy thì, người mẹ nên chủ động hướng dẫn con vệ sinh thân thể, đặc biệt là ở chỗ kín để tránh vi khuẩn phát triển, gây hôi hám, dẫn đến nhiễm khuẩn đường sinh dục và tiết niệu.

Thi Trân